Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dược liệu.
Phát triển mô hình trồng cây dược liệu
Không chỉ sở hữu nhiều loại cây dược liệu quý, sẵn có trong tự nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn có nhiều lợi thế về diện tích đất, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... để phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu.
Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện miền núi Sơn Tây đã đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như: Nghệ, gừng gió, sâm đương quy, sâm bảy lá, địa liền, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Tinh, Sơn Long, Sơn Liên. Hầu hết các vườn cây dược liệu phát triển tốt; một số cây như gừng gió, địa liền cho thu hoạch với năng suất và chất lượng cao. Đơn cử tại xã Sơn Tinh, hiện nay có nhiều hộ trồng cây dược liệu rất hiệu quả. Cùng một diện tích đất nhưng trồng cây dược liệu cho thu nhập cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Vì vậy, phát triển mô hình trồng cây dược liệu về lâu dài sẽ giúp người dân nơi đây có được thu nhập ổn định, phát triển kinh tế bền vững.
Mô hình trồng cây gừng gió đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào vùng cao huyện Trà Bồng (Ảnh: Vinh Thông)
Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Minh Long và chính quyền xã Long Môn tiến hành khảo sát tại các địa điểm dự kiến thực hiện Dự án 2 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư và địa điểm dự kiến đầu tư hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý kết hợp với du lịch sinh thái - cộng đồng tại xã Long Môn.
Khảo sát vùng trồng dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng tại thôn Làng Ren – xã Long Môn, Đoàn khảo sát nhận thấy, điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan của khu vực rất phù hợp trồng một số dược liệu dưới tán rừng kết hợp với một số loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Địa điểm khảo sát có độ cao gần 800 mét so với mực nước biển, nhiệt độ ổn định ở mức 250c có thể phù hợp trồng một số dược liệu như: Tam thất, đương quy, đinh lăng… Đây là tiền đề để địa phương phát triển vùng trồng dược liệu kết hợp du lịch sinh thái nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào nơi đây.
Tháng 4/2023, xã Sơn Tinh đã ra mắt Hợp tác xã sinh thái dược liệu Khe Xai Sơn Tinh, tại thôn Xà Ruông do 43 thành viên tham gia góp vốn, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn. Hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh tập trung vào các ngành nghề liên quan đến cây dược liệu, hương liệu…
Tại huyện Trà Bồng, quế là cây dược liệu được người dân trồng theo hướng chuyên canh với diện tích hơn 5.000 ha. Quế Trà Bồng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể; 17 sản phẩm từ quế Trà Bồng đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trà Bồng cũng là 1 trong 4 vùng trọng điểm quế của cả nước. Thời gian qua, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao khảo sát, hỗ trợ 22 huyện trong cả nước xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý, trong đó có huyện Trà Bồng. Viện đã phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Trà Bồng lựa chọn địa điểm xây dựng vùng trồng, lên danh mục cây dược liệu phù hợp phát triển tại vùng trồng và xây dựng khu sơ chế dược liệu. Hiện tại, Viện đã đưa 6 xã của huyện Trà Bồng vào quy hoạch vùng trồng cây dược liệu với tổng diện tích hơn 2.315ha.
Liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ
Những năm qua, thay vì chỉ trồng gừng gió với số lượng ít để sử dụng trong gia đình, nhiều hộ dân ở các xã Sơn Trà, Hương Trà (huyện Trà Bồng) tập trung mở rộng diện tích trồng gừng gió để phát triển kinh tế. Nhận thấy cây gừng gió được thị trường ưa chuộng lại quen thuộc với người dân địa phương, huyện Trà Bồng đã đưa loại cây bản địa này vào danh mục cây trồng ưu tiên phát triển. Theo đó, 6 xã khu Tây của huyện là: Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh và Trà Tây được khoanh vùng trồng gừng gió với diện tích 20ha, định hướng sẽ phát triển lên 25ha vào năm 2025 và 30ha vào năm 2030. Việc phát triển cây gừng gió thành sản phẩm hàng hóa không chỉ nhằm mục đích đa dạng sinh kế, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà còn gắn với bảo vệ, bảo tồn nguồn gen cây bản địa quý giá này.
Với vai trò là chủ thể, Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Trà đã liên kết với gần 30 hộ dân địa phương để phát triển vùng nguyên liệu gừng gió 6ha và xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Cuối năm 2022, gừng gió Trà Bồng được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm dược liệu của các hợp tác xã ở huyện Sơn Tây được người tiêu dùng quan tâm (Ảnh: Ý Thu)
Từ năm 2022, Công ty Hoàng Linh Biotech - doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã lựa chọn Trà Bồng làm địa phương để liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất. Theo Công ty Hoàng Linh Biotech, hàm lượng tinh chất dược liệu có trong gừng gió trồng tại các xã phía tây của Trà Bồng cao hơn so với gừng bình thường. Trà Bồng còn có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn gen cây dược liệu mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có.
Đầu năm 2023, sau một thời gian liên kết, hỗ trợ người dân địa phương trồng gừng gió, sản phẩm cốm gừng Tây Trà đông trùng hạ thảo với nguyên liệu chính làm từ gừng gió Trà Bồng đã có những kiện hàng đầu tiên được xuất ra nước ngoài.
Từ thành công này, Công ty Hoàng Linh Biotech đã quyết định hỗ trợ hơn 7 tỉ đồng để trồng 8ha gừng gió ở huyện Trà Bồng và 2ha ở huyện Sơn Tây. Đồng thời, cam kết cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến và thu mua sản phẩm cho người dân.
Với mục tiêu bảo tồn và phát triển cây dược liệu thành hàng hóa theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn, huyện Trà Bồng sẽ tập trung chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường; chú trọng phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ, bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện ưu tiên phát triển các loại dược liệu sẵn có tại địa phương, dễ trồng, dễ tiêu thụ và có lợi thế cạnh tranh như cây: Quế, đinh lăng, sả, gừng gió, nghệ... Mục tiêu đến năm 2025, huyện Trà Bồng trồng mới và ổn định 5.400ha quế, 20ha gừng sẻ và 3ha các loại cây dược liệu khác như: Đẳng sâm, sa nhân, đương quy; hình thành 2- 3 cơ sở chế biến để 100% sản lượng cây dược liệu tươi được sơ chế, bảo quản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, đảm bảo 100% sản phẩm dược liệu được sản xuất theo quy trình khép kín trên nguyên tắc, tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành.
Ngoài ra, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn có một số cây dược liệu quý, mang tính đặc thù khác như: Sâm bảy lá một hoa, thiên niên kiện, gừng gió, lan kim tuyến, đương quy... tập trung nhiều ở các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ...
Định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển 14,5 ha cây đinh lăng, nghệ, gừng, ba kích, kim tiền thảo tại huyện Mộ Đức; 15 ha ba kích, sa nhân tại huyện Ba Tơ; hơn 46 ha ba kích, đinh lăng tại huyện Sơn Hà; 3.600 ha quế tại huyện Trà Bồng... Qua đó, từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.
Để khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên của miền núi Quảng Ngãi, các dự án được triển khai đồng bộ sẽ mở ra nhiều cơ hội và triển vọng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi. |
Tags: Cốm gừng đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo