(VOH) - Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển 45 năm qua, lĩnh vực khoa học – công nghệ Thành phố đã có những dấu ấn nổi bật, gắn liền với sự phát triển của Thành Phố.
45 năm dấu ấn khoa học công nghệ Thành phố
Kỳ 1: Doanh nghiệp khoa học công nghệ: tiên phong đổi mới sáng tạo vì cộng đồng
Xác định hoạt động khoa học - công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, các chính sách nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển 45 năm qua, lĩnh vực khoa học – công nghệ Thành phố đã có những dấu ấn nổi bật, gắn liền với sự phát triển của Thành phố. Có thể khẳng định rằng, chính sự phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã trở thành động lực chủ yếu để phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Trong hoạt động quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, trong thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã giới thiệu các hoạt động hỗ trợ thành lập doanh nghiệp Khoa học công nghệ. Có thể nói đây là điểm nhấn nổi bật của Thành phố so với các địa phương trên cả nước, với số lượng doanh nghiệp được chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ ngày càng tăng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn tự nguyện tham gia và nỗ lực đầu tư cho khoa học công nghệ, hỗ trợ thủ tục để có các gói vay ưu đãi.
Việc trở thành Doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ tạo tiền đề cho doanh nghiệp đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau khi trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, họ được tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mà Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố triển khai, cụ thể như: chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ,…và các chương trình kết nối, hợp tác sâu rộng hơn với các trường đại học tại thành phố.
Lễ trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ cho công ty Điện Quang tháng 9- 2019
Năm 2019, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang được trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây được xem là một cột mốc đánh dấu bước phát triển, khẳng định định hướng trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chiếu sáng thông minh của Điện Quang. Với những công nghệ mới, Điện Quang chuyển đổi từ công ty sản xuất sang công ty công nghệ, cung cấp các giải pháp tổng thể và đồng bộ trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, công trình như: trường học, bệnh viện, nhà thi đấu, đường hầm, chung cư… Khi trở thành Doanh nghiệp khoa học công nghệ đã mang lại những giá trị cho bản thân doanh nghiệp song song với đó trách nhiệm của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn. Điện Quang sẽ cùng tham gia sâu hơn nữa các chương trình công nghệ cao của Thành phố, liên kết với các viện, trường đại học để nghiên cứu và chế tạo ra được nhiều sản phẩm mới; tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghệ cao, do người Việt làm chủ.
Ông Lê Xuân Nghiêm, Giám đốc Kỹ thuật – Khoa học – Công nghệ Công ty Cổ phần Điện Quang nêu dẫn chứng: “Doanh nghiệp luôn sát cánh cùng xã hội, đội ngũ R&D của Điện Quang nỗ lực ngày đêm trong suốt thời gian qua để nhanh chóng ra mắt sản phẩm, chung tay cùng người dân đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Dựa trên các nghiên cứu khoa học từ các tổ chức uy tín cùng khả năng sáng tạo ứng dụng thực tiễn, Điện Quang nhanh chóng lên ý tưởng về sản phẩm giúp diệt khuẩn, an toàn, tiện lợi và bảo vệ sức khỏe người dùng. Đèn LED Diệt Khuẩn ra đời chính là kết quả của nỗ lực, tâm huyết được ấp ủ trong thời gian qua của Điện Quang.”
Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học. Đặc biệt, Sở này đã xuất bản Cuốn sổ tay hướng dẫn Đăng ký chứng nhận doanh nghiệp Khoa học công nghệ, trong đó có hướng dẫn chi tiết đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, qui trình đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, và một số câu hỏi liên quan đến các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp theo qui định của pháp luật. Thành lập vào năm 2017, Hoàng Linh Biotech xuất phát điểm đã bám sát phương châm, mục tiêu sản xuất, kinh doanh dựa trên việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố hỗ trợ các thủ tục, hồ sơ, hướng dẫn, Hoàng Linh Biotech đã được trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ chỉ sau một năm hoạt động. Thời gian qua, công ty đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm và đông trùng hạ thảo. Bà Phạm Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Linh Biotech chia sẻ, hiện công ty nằm trong nhóm hợp tác nghiên cứu Dự án “Sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh” – dự án First của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay quá trình nghiên cứu đã thành công.
“Hoàng Linh Biotech cũng nằm trong dự án này, và rất vui đến giờ này qua 2 năm theo đuổi Dự án cũng đã xong. Công ty có nhiệm vụ chuyển giao lại công nghệ để phát triển. Thứ hai, chúng tôi cùng với Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố hợp tác để phát triển công nghệ, đồng thời sản xuất ra rễ tóc sâm Ngọc Linh để làm ra một loại thuốc quý: viên nang sâm Ngọc Linh và đông trùng hạ thảo” - bà Vân cho hay.
Bà Phạm Thị Hồng Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech.
Là doanh nghiệp khoa học công nghệ, các công ty luôn tập trung nghiên cứu sản phẩm và tìm ra những giải pháp tốt nhất có thể - trong lĩnh vực của mình. Với mong muốn sản phẩm có giá thành thấp hơn, chất lượng cao hơn, phục vụ cho người dân tốt hơn. Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ewater Engineering bày tỏ: “Chúng tôi được chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học công nghệ thì phải làm sao để xứng đáng với chứng nhận đó. Sản phẩm mình làm ra phải mang hàm lượng công nghệ cao, phải đáp ứng nhu cầu cuộc sống, của sự phát triển kinh tế của đất nước, thay thế hàng nhập khẩu nước ngoài. Sản phẩm phải mang tính ứng dụng cao. Từ lúc nhận được giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Ewater đã cung cấp ra thị trường khoảng 500 thiết bị để xử lý nước trong công nghiệp thay thế cho hàng nhập khẩu, đây là điều rất tự hào”
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cố vấn kỹ thuật Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết bị siêu âm Việt Nam (Vietsonic) – Doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực hàn siêu âm, cũng cho rằng: “Về máy móc, máy móc của mình làm ra bán giá thấp hơn máy của nước ngoài là thấy đỡ rồi, mình không chảy ngoại tệ ra nước ngoài. Thứ hai, giá thành thấp hơn thì đa số các công ty nhỏ mới có thể đầu tư máy móc, thu hồi vốn nhanh. Một doanh nghiệp nhỏ thu hồi vốn nhanh thì dòng tiền sẽ lưu thông hiệu quả. Bên cạnh đó, đã là doanh nghiệp Khoa học công nghệ thì phải có trách nhiệm, làm gì cũng phải có ứng dụng khoa học, để tăng năng suất, giảm giá thành, tăng thời gian hoạt động của máy móc lên.”
Có thể thấy, doanh nghiệp khoa học công nghệ thực sự là cầu nối giữa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được chuyển giao vào trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa. Và, chính những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian gần đây, đã thực sự là cầu nối để giúp các doanh nghiệp đưa ra những nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn, góp phát thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo - VOH
Tags: Đông trùng hạ thảo, trà túi lọc, Viên ngậm gừng Gincordy, gừng gió sên mật ong
Tầm nhìn sứ mệnh giá trị cốt lõi của Hoàng Linh Biotech
Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy như thế nào?
Vinh doanh doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2023