Trong 02 ngày (22-23/8/2022), Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức kiểm tra thực tế quá trình triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gừng sẻ bản địa (gừng gió) theo chuỗi giá trị tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi” tại huyện Trà Bồng và Sơn Tây. Dự án này thực hiện trong thời gian 36 tháng, bắt đầu 12/2021 kết thúc 12/2024 do Công ty TNHH Hoàng Linh Biotech chủ trì thực hiện.
Hình 1.Đoàn kiểm tra mô hình nhân giống gừng sẻ bản địa trong bao tại huyện Trà Bồng.
Theo báo cáo của đơn vị thực hiện từ tháng 12/2021 - 07/2022, về nội dung công việc khảo sát đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ gừng sẻ bản địa tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành điều tra nguồn gốc giống gừng sẻ, phương thức sản xuất giống, mùa vụ sản xuất, hiện trạng về biện pháp canh tác …đối tượng cây trồng xen, hiện trạng về cơ giới hóa trong các công đoạn sản xuất, hiện trạng về điều kiện canh tác tại 5 huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long và Ba Tơ.
Qua đó, đơn vị thực hiện đã chọn và hoàn thành việc lấy mẫu đất tại 2 huyện Trà Bồng và Sơn Tây và tiến hành phân tích 11 chỉ tiêu vật lý và hóa học của 4 mẫu đất. Đồng thời tiến hành điều tra khảo sát đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ gừng sẻ tại 2 huyện này. Tiến hành mô tả đặc trưng hình thái trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển của giống gừng sẻ bản địa Quảng Ngãi; đăng ký, xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gừng sẻ Trà Bồng do UBND huyện Trà Bồng hoàn thiện hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Gừng sẻ Trà Bồng.
Đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, canh tác, thu hoạch... phù hợp với tập quán sản xuất của địa phương, gồm 03 hướng dẫn kỹ thuật: Kỹ thuật nhân giống gừng sẻ trong bao; kỹ thuật trồng gừng sẻ xen canh theo hướng hữu cơ; kỹ thuật trồng gừng sẻ thuần theo hướng hữu cơ. Đang tiến hành chuyển giao và tiếp nhận hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản sản phẩm gừng sẻ bản địa cho Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Trà Bồng và Sơn Tây, gồm 03 hướng dẫn kỹ thuật về: Chọn giống và xử lý củ giống trước khi trồng, chuẩn bị giá thể và phương pháp trồng; bón phân cân đối và hợp lý, phòng trừ sâu, bệnh hại bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Xác định thời điểm thu hoạch, xử lý và cất trữ củ giống.
Xây dựng và triển khai mô hình nhân giống gừng sẻ bản địa trong bao có quy mô 4.000 bao, trong đó tại huyện Trà Bồng 2.000 bao, huyện Sơn Tây 2.000 bao. Qua kiểm tra tại các mô hình cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, bắt đầu đẻ nhánh.
Hình 2.Đoàn kiểm tra mô hình nhân giống gừng sẻ bản địa trong bao tại huyện Trà Bồng.
Hình 3.Đoàn kiểm tra mô hình nhân giống gừng sẻ bản địa trong bao tại huyện Sơn Tây.
Xây dựng mô hình canh tác gừng sẻ bản địa theo hướng hữu cơ có quy mô 3 ha (2,0 ha trồng xen và 1,0 ha trồng thuần). Trong đó, thực hiện 1,5 ha trồng xen lúa nương và 0,5 ha trồng thuần tại xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng; 0,25 ha trồng xen cây ăn quả giai đoạn kiến thiết cơ bản và 0,25 ha trồng thuần xã Sơn Long, huyện Sơn Tây; 0,25 ha trồng xen ngô và 0,25 ha trồng thuần tại xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây. Qua kiểm tra thực tế tại mô hình, cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, bắt đầu đẻ nhánh. Tuy nhiên do địa điểm xây dựng các mô hình là đồi núi dốc kết hợp với mưa lớn gây hiện tượng sói mòn và rửa trôi gây ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của mô hình.
Hình 4.Đoàn kiểm tra mô hình trồng thuần gừng sẻ tại xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng.
Hình 5.Đoàn kiểm tra mô hình trồng gừng sẻ xen lúa nương tại xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng.
Hình 6-7.Đoàn kiểm tra mô hình trồng thuần gừng sẻ tại huyện Sơn Tây
Hình 8.Đoàn kiểm tra mô hình trồng gừng sẻ xen ngô tại huyện Sơn Tây.
Ngoài ra, đơn vị thực hiện đã tập huấn 3 lớp/150 lượt nông dân về kỹ thuật nhân giống gừng sẻ và kỹ thuật canh tác gừng sẻ tổng hợp theo hướng hữu cơ; tổ chức 01 hội nghị triển khai dự án với 30 lượt người tham dự để nắm bắt nội dung và phương thức thực hiện thực hiện dự án. Đồng thời triển khai thành lập Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gừng sẻ tại xã Sơn trà, huyện Trà Bồng.
Những công việc triển khai tiếp trong kỳ tới là tiếp tục theo dõi, mô tả đặc trưng hình thái, định danh, phân tích đánh giá chất lượng dinh dưỡng và dược liệu gừng sẻ bản địa Quảng Ngãi; hoàn thiện và chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản sản phẩm gừng sẻ bản địa; tiếp tục theo dõi, chăm sóc các mô hình nhân giống, canh tác gừng sẻ bản địa theo hướng hữu cơ.
Phan Nương.
Theo: Báo Sở Khoa Học & Công Nghệ Quảng Ngãi
Quảng Ngãi: Tiềm năng phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu